Pages


KỶ NIỆM NƯỚC NGA

 

NHỮNG NGÀY ĐẦU Ở NƯỚC NGA

      Vào những năm 80 của thế kỷ trước, trong thời buổi bao cấp muôn vàn khó khăn, việc đi học đi làm ở Liên Xô và các nước XHCN đối với nhiều người như là một ước mơ đổi đời, phải nỗ lực thật nhiều, nhiều người phải chen vai lật cánh mới mong đạt được mục đích. Sống, học tập và làm việc ở một đất nước hòa bình văn minh hiện đại là một điều kiện tốt và mang lại biết bao điều tốt đẹp nhưng cũng có biết bao nhiêu chuyện vui buồn, cũng có cả khổ đau và nó mãi mãi trở thành kỷ niệm khó quên trong ký ức. Thời gian qua đi đã hàng chục năm nhưng những năm tháng bên trời Âu và đặc biệt ấn tượng đầu tiên là khi đặt chân lên máy bay bay sang nước bạn.

 Chân “dép lốp” lên máy bay Aerophlot:
     Ngày ấy...198..., sau một năm học dự bị, với sự cần cù nỗ lực học hành trong điều kiện hết sức thiếu thốn, sau kỳ kiểm tra cuối tôi có tên trong danh sách được sang Liên Xô học tập. Khó có thể tả hết niềm vui sướng hân hoan của tôi và nhiều bạn bè khác, cũng có một số bạn không đi được do không đạt kết quả, họ buồn xiu nhưng biết làm thế nào được.
     Cuối tháng 8 là quãng thời gian thực sự lo lắng và vất vã, có lúc lo lắng vẫn vơ, không biết liệu có bị trục trặc gì không, có người bảo bao giờ mày đặt chân lên đất Liên Xô mới gọi là chắc ăn nhé. Những lo toan chung quy cũng chỉ là không biết phía trước rồi sẽ thế nào, tiền ở đâu, mua hàng gì, mang hàng đi vi phạm hải quan họ có ách giữ người lại hay không..vv...và...vv.
     Suốt mấy ngày chuẩn bị mua sắm hành hóa "đi buôn", quanh đi quẩn lại cũng ra Đồng Xuân chọn mấy chiếc quần bò cỡ lớn thắt lưng cao ngang ngực là được, rồi thì áo phông cá sấu, đồng hồ vẩy cá, son phấn linh tinh với trọng lượng khống chế. Để phòng thân mình còn mang theo mấy bộ quần áo cũ, áo len và cả áo "đại cán" để chống rét...tất cả cho vào một cái thùng cactong nhỏ gọn ràng buộc thật kỹ chờ ngày lên đường. Vì là chuyến đi đầu tiên, ai tự lo nấy, mình là người tỉnh lẻ nên lúng túng quá, lỡ có chuyện gì trục trặc thì không ai giúp mình được nên tốt nhất là làm đúng quy định mang dưới 20 kg, vì nếu do ba cái thứ kèm theo đó mà lỡ có trục trặc gì thì ôi thôi, bỏ công lều chõng bấy nay, tương lai phía trước rồi danh dự với bà con, bạn bè, xã hội...
     Khi ra đến sân bay xếp hàng làm thủ tục mình mới ngớ người ra, trông người nào người nấy cứ như phi công vũ trụ trước chuyến bay vậy, chỉ thiếu mỗi cái mũ tròn tròn là giống y chang thấy ngồ ngộ thật buồn cười.
     Một cậu bạn ở Hà Nội bảo:
     - Thế hàng mày chỉ có thế thôi à?
     - Ừ, mấy cái quần bò, áo phông...
     - Để ở đâu?
     - Trong gói hàng.
     - Mở ra nhanh lên. Mặc vào đi, mặc tất cả vào, cả áo nữa.
     Nhưng thay quần thế nào, ở đâu? Trưởng đoàn giục đến lúc soi hàng rồi. Thế là bí quá, hôm qua chằng gói buộc thắt cẩn thận, kĩ càng bây giờ cởi tung ra mới gay. Kệ, họ có biết mình là ai đâu, phòng đợi sân bay rất đông người, người tiễn rất đông đứng ngoài hàng rào nhìn vào người thân của mình. Mình đánh liều ôm thùng ra khỏi hàng người đang chờ soi hàng, đến góc khuất tháo tung thùng giấy ra, mặc 2 quần bò vào, nó không chịu ở yên đó mà cứ tụt xuống vì quá rộng, "nhanh trí", cởi thắt lưng quần cũ luồn vào quần ngoài, lóng ngóng thế nào cái khóa thắt lưng lại bung ra, không cài lại được. Kệ. Quần dài quá thì xắn lên 4- 5 lai đỡ vướng. Riêng 5 cái áo phông mặc vào rồi khoác ngoài cái áo sơ mi thì tạm ổn, chỉ tòi ra quá nhiều cổ áo trông mất mĩ quan một tý, tặc lưỡi: không sao. Buộc lại hàng, một tay ém ngang hông để quần khỏi tụt, một tay xách thùng hành lý đến chỗ soi vừa kịp. Thế mà cũng bị hải quan bảo kiểm tra, mở ra thấy có phấn son, bút chì họ hỏi mang theo làm gì? Tặng. Tặng cho ai mà nhiều thế, mỗi thứ 10 cái thôi. Thế là đành mở ra đếm đủ 10 cái mỗi thứ, phần thừa lại vừa giữ quần vừa chạy ra chỗ rào chắn rất đông người đi tiễn rất xấu hổ nhưng kệ, ai biết ai đâu.

     Trời nắng nóng tháng Tám, nhà ga đông người, hơi người hơi nắng nóng hầm hập, lại là lần đầu tiên mặc quá nhiều quần áo nên mồ hôi vã ra ướt đẫm. Qua cửa soi người mình chỉ còn xách trên tay cái túi trống màu đỏ rúm ró lép xẹp. Trên đường lên xe buych chuyên dụng ra máy bay, mọi người đứng, mình lẻn ra ghế sau cùng tháo hết số áo phông nhét vào túi trống, ôm mấy cái quần bò lên máy bay.
     Lúc ấy mới thở phào nhẹ nhõm, máy bay vẫn chưa cất cánh, nhìn qua ô cửa sổ thấy bầu trời Hà Nội mùa thu sao mà xanh thế, nắng thu vàng rực rỡ thế.
     Sang đến Matxcova, mấy ngày sau mới ngớ người ra với bạn bè cùng lớp, có người mang được khá nhiều, bán đi thu về cả mấy ngàn rúp, trong khi mình chỉ được vài ba trăm. Họ mang được rất nhiều hàng, hỏi bí quyết họ bày: Phải có người làm việc trước với hải quan, có chi phí thì hàng mới đi được.
     Nghĩ ra, hơi tiếc thật...Nhưng mà thôi.


 Tiếp tục chuyến bay:     

     
"Ngố" tôi lên máy bay lòng thấy lâng lâng, thở phào nhẹ nhõm và may mắn thế nào số ghế của tôi lại được xếp ngồi bên cạnh một em khá xinh nói giọng miền Nam. Bao nhiêu cảm giác của giờ phút cuối cùng tạm biệt Tổ quốc quê hương để bay sang đất nước Liên Xô vĩ đại mà lúc bấy giờ chúng tôi chỉ biết được qua phim ảnh và báo chí nó cứ lâng lâng, trào dâng một niềm vui khó tả. Lên được máy bay là chắc chắn đi được rồi, ở nhà mọi người cứ dọa nhau để lo lắng đến phát sợ lên, có người bảo bao giờ ngồi lên được trên máy bay mới chắc là được đi. Thì đây, tôi đang ngồi trên máy bay rồi đấy thôi và cũng hồi hộp chờ xem giây phút máy bay rời khỏi mặt đất như thế nào.

     Cảm giác đầu tiên là khoang máy bay rất rộng với 3 dãy ghế, nghe nói loại máy bay IL86 này chở được đến 350 hành khách. Trên máy bay có hương vị gì đó rất đặc biệt, rất thơm mà không biết hương vị gì (không phải mùi nước hoa)và không biết từ đâu tỏa ra nhưng rất dễ chịu và đặc biệt ấn tượng là những cô gái chiêu đãi viên (hồi ấy gọi như thế) quá trẻ trung, xinh đẹp, mặc áo trắng váy xanh cứ đi qua, đi lại tất bật trông quá hấp dẫn.
     Tôi nẩy ra trò nghịch ngợm: ở mỗi dãy ghế ngồi có một cái nút bấm chuông. Tôi bấm thử, tiếng chuông reo ngân lên "ping poong..."và đèn tín hiệu ghế tôi ngồi bật sáng. Hai phút sau, một em chiêu đãi viên xuất hiện, lại còn đến gần, rồi lại còn cúi xuống nữa chứ. Em hỏi: "Anh cần gì?". Lúc đó tôi lại bị hút hồn bởi những lọn tóc màu hạt dẽ hơi che cái vầng trán đẹp, nước da trắng hồng, đôi mắt quá đẹp với con ngươi màu xanh trong vắt...lại không chuẩn bị trước là mình cần gì nên "nhanh ý" nói bật ra:
     - Xin lỗi! Có thể uống nước ở đâu?
     Cô gái trả lời:
     - Ở đằng kia, chỗ có để mấy chiếc cốc ấy.
     - Cám ơn,
     Nhưng trước đó tôi đã uống nước ở đó rồi. Tôi hiểu ra rằng cái nút ấy là để liên lạc với chiêu đãi viên nhờ giúp đỡ cái gì đó mà tôi lại không thấy ai bật cái nút ấy cả.

     Máy bay vẫn chưa cất cánh, khoảng 10 phút sau, tôi lại nhấn "ping poong...", lần này em chiêu đãi viên lại đến, tôi lại say sưa ngắm gương mặt của nàng nhưng cô ta không mỉm cười như lần trước.
- Lại gọi nữa, anh cần giúp đỡ gì không?
     Tôi trở nên lúng túng nên mặc dù không biết hút thuốc nhưng lần nữa lại nhanh ý:
     - Có thể hút thuốc lá được không?
     Cô gái chỉ tay lên hàng chữ "Cấm hút thuốc" đang bật sáng đèn nói hơi gắt:
     - Lúc nào cái đèn ấy tắt mới có thể hút thuốc. Tôi bận lắm, anh đừng bấm chuông nữa được không? "pa-nhat-nà?".

      Tôi nghĩ: em cứ đứng đấy mà mắng tôi cũng không sao, cứ đứng lâu thêm chút nữa. Nhưng nàng tất bật quay đi để lại đằng sau bóng dáng đôi bắp chân vừa thẳng, vừa...ôi, đẹp đến mê tơi...
     Đúng 3h30' chiều máy bay cất cánh, cảm giác lần đầu tiên được đi máy bay vừa sợ, vừa thích, đầu tiên máy bay chạy chầm chậm trên đường băng, cảm giác như ngôi trên ôtô, sau đó thì tăng tốc, lưng bị ép vào ghế, không còn nghe tiếng rùng rùng của lốp máy bay nữa, nhìn ra cửa sổ bóng làng mạc thành phố núi đồi chênh chếch vút về phía sau. Tôi nhìn sang em gái ngồi bên cạnh, mắt cô nhắm nghiền, có lẽ vì sợ quá.
     Khi máy bay lên đủ độ cao, qua cửa sổ máy bay, tôi mê mãi ngắm nhìn phong cảnh dưới mặt đất như một bức tranh hoạ đồ tuyệt đẹp. Những cánh đồng màu xanh, màu nâu, màu vàng vuông vắn như ô bàn cờ, nhà cửa thôn xóm chỉ còn bé tí, còn dòng sông, có lẽ là sông Hồng hay sông Đà gì đó nhìn từ trên cao nó cứ ngoằn ngoèo vàng vàng đục đục như màu đất bùn nỗi bật giữa núi rừng, những quả núi nhìn từ trên xuống như những chiếc nón nhỏ màu xanh...
     Máy bay như đang ­đuổi theo mặt trời, nhìn đồng hồ biết bây giờ sắp chiều tối rồi nhưng ngồi trên máy bay thấy mặt trời vẫn cứ ở trên cao.

     Đến bữa ăn đầu tiên trên máy bay: Cô chiêu đãi viên lúc nãy và một cô nữa đẩy xe ra phát cho mỗi người một khay ăn, đến lượt tôi cô hơi mĩm cười, có lẽ cô biết tỏng trò nghịch ngợm của tôi. Trên khay có nhiều thứ từ cơm đến 01 que tăm, thứ quen thuộc đầu tiên đấy là khoảng lưng bát cơm với một cái đùi gà, còn các thứ khác có thứ để vậy, có thứ bao gói bên ngoài chỉ có dòng chử "Aerôphlôt" mà tôi không biết đựng cái gì bên trong. Tôi rất lúng túng không biết ăn cái gì trước ăn cái gì sau, nhưng có lẽ cơm là món đầu tiên là chắc rồi. Ngang hàng ghế tôi ngồi dãy bên kia có một ông người Nga. Tôi chưa ăn vội mà cố để ý xem ông ta dùng thứ gì thì mình cũng làm theo nhưng ông ta lại không ăn cơm trước. Cô bé ngồi cạnh do mệt nên không ăn được cơm, nhờ tôi ăn giúp cái món cơm rời rạc không ngon nhưng thịt gà thì thật hấp dẫn, sức tôi lúc ấy phải 3- 4 suất cơm như thế mới gọi là tạm đủ. Nhớ những bữa cơm sinh viên khi nhão khi khê, chỉ có canh rau muống để lâu một tý là nước xanh lè với một bát nước mắm hơi nhạt, trên bát nổi lên mấy miếng thịt mỡ mà chúng tôi đã ăn suốt cả gần một năm ở lớp học dự bị nên bây giờ có thể coi là bữa ăn ngon nhất theo kiểu Tây.

      Cô gái đưa cái gói nhỏ màu trắng hỏi tôi:
      - Món này là món gì zậy anh?
     Tôi cầm lấy nắn nắn thấy nó hơi mềm mềm nên không đoán được là món gì, nhưng để thể hiện khâu oai, ra vẻ ta đây cái gì cũng biết, tôi trả lời cô:
     - Kẹo cao su đấy(lúc đó chưa có singum), để đó tý nữa ăn xong ăn tráng miệng.
     Cô bé dùng một miếng bánh, có phết mứt xong thì mở "kẹo cao su" để ăn tráng miệng. Tôi đang ăn, liếc sang thấy cô lôi ra một mảnh khăn giấy nhỏ rồi nhìn tôi. -
     - Không phải kẹo cao su đâu anh ơi, giấy.
Tôi đỏ bừng mặt và cố quay nhìn đi chổ khác cho đỡ xấu hổ, có cái khăn ăn bằng giấy mà cũng không biết.
     Máy bay bay như đuổi theo Mặt trời, bay mãi mà vẫn thấy Mặt trời trên cao mà nhìn đồng hồ lúc ấy thì đã hơn 6 giờ chiều rồi. Sau 3 giờ bay, máy bay hạ cánh xuống sân bay Cancutta, một thành phố nằm phía đông bắc của Ấn Độ. Nhìn qua ô cửa sổ khi máy bay lượn vòng hạ cánh, cảm giác đầu tiên thấy dưới mặt đất khá nhiều nước, những ngôi nhà lợp ngói hay tôn đỏ và xung quanh có khá nhiều dừa. Tất cả hành khách lục tục xuống đường băng để vào phòng khách, họ không cho ai ở lại trên máy bay. Đường băng hầm hập nóng chắc phải đến gần 40 độ C. Phòng khách nhà ga cũng tuyềnh toàng, không đủ ghế cho mọi người ngồi. Thấy mọi người nhốn nháo xếp hàng mình cũng nhanh chóng đứng vào hàng, thì ra ở quầy có hai người đàn ông da ngăm đen đứng phát cho mỗi người một hộp nước xoài nho nhỏ, vỏ bằng giấy có in hình quả xoài màu vàng, cắm ống hút để uống. Ở nhà thì ăn quả xoài cũng nhiều nhưng uống nước xoài thì là lần đầu tiên được nếm, nó vừa thơm, chua chua ngọt ngọt, uống một hộp còn xếp hàng xin thêm hộp nữa vì nó quá ngon. Lần đầu tiên thấy người Ấn Độ bằng da bằng thịt nó kỳ kỳ rất khác so với người ở trong các bộ phim video mà lúc ấy ở nhà thường xem, có thể nói nội dung phim Ấn khá hay nhưng cứ một đoạn là múa là hát.

     Sau chừng một một giờ nghỉ ngơi, hành khách lại lên máy bay bay tiếp. Lúc này trời đã nhá nhem tối, nhìn qua cửa sổ máy bay vẫn còn thấy làng mạc nhà cửa, rừng núi dưới mặt đất. Chiêu đãi viên lại đưa ra các khay ăn, lần này là những thanh niên cao ráo khá đẹp trai, có lẽ các cô gái đổi ca, bữa ăn thứ hai thì không mấy bỡ ngỡ nửa.
     Từ Cancutta bay hết 3 tiếng thì máy bay hạ cánh xuống sân bay Karachi của Pakixtan. Trời đã tối hẵn, nhìn dưới mặt đất lúc này chả thấy gì, thỉnh thoảng lại thấy những vạt nhỏ ánh sáng chấp chới, đó là ánh đèn của các thành phố nào đó, thị trấn hoặc làng mạc. Đến sân bay Karachi, máy bay hạ cánh, được ngắm nhìn thành phố từ trên cao, những con đường dài sáng ánh đèn, những tòa nhà cao tầng, lại được nghỉ một giờ nhưng lần này phải ngồi trên máy bay không được xuống. Dưới sân bay có những người lính Pakixtan quân phục như lính Mỹ khoác súng đi đi lại lại canh gác, thỉnh thoảng nó gật đầu cười đùa với các cô gái vẫy tay qua cửa sổ máy bay.
Ngồi trên máy bay một giờ lại bay tiếp, lúc này tiếp viên lại đưa đồ uống ăn nhẹ, mình xin một cốc rượu, cà phê và bánh ngọt. Sau đó thì mọi người xung quanh đều nghỉ ngơi, mình uống cà phê là không tài nào ngủ được, tâm trạng miên man, ngày mai sẽ thế nào đây, điều gì đang đợi mình...
     Sau 3 giờ bay nữa thì máy bay hạ cánh xuống sân bay Tasken. Mọi người lại lục tục xuống sân bay để vào phòng khách. Đây đã là đất Liên Xô rồi, muốn quan sát ngắm nghía nhưng vì đêm tối chỉ nhìn thấy quang cảnh ở sân bay mà thôi. Vào phòng khách phải đi một cái thang cuốn dài cả trăm mét mới đến. Các bà người bản xứ phát táo xanh và nước suối cho mọi người. Có thể nói đấy là lần đầu tiên được thưởng thức hương vị của quả táo thơm ngon, thứ quả mà ở vùng nhiệt đới như nước ta không hề có, sau này suốt thời gian ở bên đó thích ăn táo lúc nào thì ra cửa hàng mua về ăn nhưng cảm giác, hương vị quả táo được nếm đầu tiên thì không thể quên được. Nghỉ một tiếng, lại bay tiếp hơn 3 tiếng nữa thì máy bay hạ cánh xuống Sheremechevơ II- Sân bay quốc tế của Matxcova.


      Trong người hơi mệt nhưng háo hức với bao điều mới lạ nên quên hết, xách cái túi trống đi cùng mọi người theo cái đường dẫn kín bằng cao su hay nhựa gì đó để ra khỏi máy bay. Xuống sân bay là vào luôn chổ nhập cảnh, mấy anh lính biên phòng làm thủ tục nhập cảnh khá nhanh chóng, ra lấy hàng ở cái băng chuyền chạy vòng quanh cho lên xe đẩy qua cửa hải quan. Mình đi qua rất đơn giản họ chỉ xem giấy tờ rồi cho qua nhưng có khá nhiều người bị ách túi hàng lại mở ra kiểm tra. Sân bay khá hiện đại, hành khách tấp nập, tiếng ping- poong thi thoảng lại ngân lên cùng giọng nói của các cô nhân viên thông báo giờ và hướng dẫn hành khách. Mấy anh em qua cửa xong thì đứng tập trung một chổ ở giữa phòng chờ để chờ người đón. Một lát sau, mấy anh chị lớp trên đến đón, có anh còn cầm cả lá cờ Tổ quốc giơ lên cao cho mọi người dễ nhận ra nhau.
     Sau đó mọi người lên taxi về ốp. Sân bay nằm ở ngoại ô Mát nên cách ốp khá xa, phải đến mấy chục cây số nhưng taxi lướt rất nhanh, chưa bao giờ mình ngồi ôtô chạy nhanh như thế mà đường lại êm như ru. Cảm giác choáng ngợp với đường sá, xe cộ, phong cảnh hai bên đường mùa thu rất đẹp, càng vào thành phố càng nhiều nhà cao tầng, rừng cây mùa thu lá vàng rực rỡ...
     Về đến ốp, cảm giá thật khoan khoái, thế này mới là chính thức đặt chân đến Liên Xô. Không gian mùa thu mát mẽ và thoáng đãng, thoảng trong không khí có mùi hương gì rất khó tả, có thể hít thật sâu vào lồng ngực để tận hưởng giây phút tuyệt vời khi đặt chân đến Matxcơva.
     Ngay cổng ốp, hai bà gacdan người mập mạp nhưng gương mặt phúc hậu tươi cười chào đón những người mới đến, lát sau khá đông các anh chị khoá trên xuống phòng sảnh chào đón tay bắt mặt mừng thật nồng hậu.


      Sau đó là các công việc nhận phòng ổn định chổ ở rồi đi ăn trưa, thức ăn thì chị em chuẩn bị, có cả vodka nhưng chưa quen, uống thử thấy nặng quá nên không uống được. Năm đầu họ phân công mỗi phòng hai ba anh em Việt ở với nhau khép kín, đồ gỗ, giường nệm êm ái sạch sẽ đến mê tơi. Sau bữa ăn trưa là giấc ngủ thật sâu, quên cả trời đất. Tầm 4 giờ chiều thức giấc với cảm giác lạ, cứ nghĩ mình đang nằm mơ, bên tai văng vẳng tiếng radio trong phòng và biết mình đang ở Matxcova.
     Trong cuộc đời có những khoảng thời gian để lại cho mỗi người nhiều ấn tượng thật sâu đậm. Mình sẽ không bao giờ quên chuyến bay đầu tiên, những kỷ niệm và cảm nhận đầu tiên trong đời, mãi mãi nhớ cái ngày đầu tiên ở đất Liên Xô với những kỷ niệm thật ngọt ngào.
     Mãi mãi nhớ không bao giờ quên.  




NHỚ MÙA ĐÔNG NƯỚC NGA

     
Đến nước Nga vào những ngày cuối thu nên phong cảnh trời thu ở Matxcơva...nhiều mây ít nắng, những cánh rừng đã trút gần hết lá vàng, có cây chỉ trơ cành khẳng khiu. Trời se lạnh, thoảng trong hương vị mùa thu ta nghe từng cơn gió báo hiệu mùa đông đến.
     Vào khoảng cuối tháng 10, hôm trời lạnh nhất, giờ giải lao, cả lớp được Thầy giáo cho đi xem nước đóng băng- một hiện tượng thiên nhiên lý thú mà ở Việt Nam mình không có. Chúng tôi đến cái hồ nhỏ cạnh trường, mặt nước hồ phảng lặng, cỏ cây xung quanh bờ hơi héo úa, lá cây như cứng lại, còn trên mặt nước hồ đọng lại thành váng trong suốt, rất mỏng, tựa như miếng kẹo gương Quảng Ngãi phủ trên mặt nước hồ, lấy tay khẽ chạm vào thì miếng gương tan ra. Đó là hiện tượng nước đóng băng ở điều kiện nhiệt độ thấp. Chỉ là một hiện tượng thiên nhiên khí hậu đơn giản vậy thôi nhưng chúng tôi ai cũng háo hức tò mò chờ đợi xem nước đóng băng. Thế là mùa đông đầu tiên của chúng tôi ở nước Nga đã đến.



     
Hôm sau, học sinh nuớc ngoài được các Thầy, Cô dẫn đi nhận quần áo mùa đông, đến một toà nhà nằm xa xa phía sau Nhà hát Bansôi. Vào đó thấy hàng hoá giống như một cửa hàng hay siêu thị nhưng không mua bán, có thể đây là cơ quan cấp trang phục mùa đông cho người nước ngoài. Hàng hoá đủ cả, bà giáo hướng dẫn cho sinh viên lựa chọn các loại trang phục mùa đông, ai thích gì chọn nấy. Mỗi người được chọn cho mình những thứ để mặc rét theo giá ghi trong tickê gắn ở đồ vật nhưng trong phạm vi mức tiền khống chế tương đương nhau, tổng cộng 250 rúp, nếu lấy ít thì thừa tiền mà lấy quá mức tiền thì không được, cộng tất cả lại tổng số tiền xấp xỉ mức đó là được. Chúng tôi chọn cho mình những đồ chống rét như giày lông, mũ lông, áo pantô, bộ vét...
     Trời vẫn lạnh, nhưng tuyết thì chưa rơi. Đã hai tháng ở Nga nên cũng quen dần với nếp sinh hoạt mới. Cực nhất là lên lớp phải đúng giờ 8 giờ sáng, khi ấy trời chỉ hơi mờ sáng như bên ta, ai cũng chưa quen với nhịp đồng hồ sinh học thay đổi nên thường hay ngủ quên, cũng may anh em chịu khó gọi nhau nên cuối cùng cũng ổn. Nhiều khi lên lớp, nhiệt độ trong phòng âm ấm, thế là lại buồn ngủ, ngủ gà ngủ gật, thầy, cô giáo phải trêu đùa hoặc gọi lên bảng mới hết. Buổi chiều đúng 2 giờ phải tập trung để lên ôtô đi thăm quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử đó đây xung quanh thành phố..., đây cũng được xem như là giờ học bắt buộc nên không thể vắng mặt. Mình rất hay muộn những giờ này, ít nhất là 5 phút, lắm khi bị lớp trưởng lên phòng gọi còn mắng cho là tác phong lề mề bắt cả xe phải đợi, nhưng mình chậm vì có lý do rất chính đáng: nhường thang máy cho mọi người để đi sau nên mới muộn.



     
Đợi mãi rồi tuyết cũng bắt đầu rơi, thời gian đó khoảng sau ngày lễ kỷ niệm mùng 7/11 vài ngày, cả mấy anh em tò mò ra sân xem tuyết, màu trời xám xịt, từng bông tuyết li ti bay bay rất đẹp, người Nga bảo lúc nào tuyết rơi thì trời ấm và họ mong cho tuyết rơi dày hơn vì sang năm khi tuyết tan, lúa mì đã gieo hạt trước mùa đông sẽ mọc đúng vụ không mất mùa. Chúng tôi đưa tay hứng từng bông tuyết, nhìn rõ bông tuyết có 6 cạnh với những nhánh nhỏ li ti như những bông hoa rất đẹp từ từ tan trong tay mình. Rồi tuyết rơi nhiều, cảnh vật khắp nơi như được phủ một tấm chăn tuyết trắng xoá, trắng đến nỗi khi có nắng mặt trời trông lóa cả mắt. Trên mái nhà tuyết phủ dày, ngoài đường phố thường xuyên có xe gạt và xúc tuyết cho xe cộ đi lại nhưng tuyết vẫn vun thành ụ thành đống.


     
Lúc tuyết dày ngập đến đầu gối, thầy giáo thể dục hướng dẫn chúng tôi vào một bãi trượt trông như một cánh rừng học môn trượt tuyết khá vui. Nhìn thầy giáo và các bạn Nga lướt nhẹ nhàng bằng ván trượt trên tuyết mà thèm, chúng tôi thì khoác giày vào ván trượt và vì rất vướng víu nên chỉ đi lẫm chẫm như trẻ con tập đi theo hai đường rãnh mà thầy mới lướt qua, rồi ngã vào nhau dúi dụi. Những bạn học người Trung Á cũng chẳng khá hơn, nhiều bạn lướt đến sau lưng tôi la hét tránh đường nhưng chúng tôi biết tránh chổ nào ngoài hai cái đường trượt đó, thế là bọn họ đâm sầm vào tôi và cả bọn cùng ngã rồi cười vui với nhau. Tôi nhớ hôm đó tôi vô ý dánh mất cả chùm chìa khoá, đi tìm mấy hôm không được, thầy giáo bảo đợi hết mùa đông tuyết tan mới may ra tìm được.



     
Đến kì nghỉ đông, chúng tôi được Nhà trường đưa đến nghỉ đông ở một nơi thuộc ngoại ô, ở đó chỉ có mấy tòa nhà cổ hai ba tầng nằm biệt lập giữa rừng thông lá xanh ngăn ngắt giữa mùa đông, nghe nói đây là nơi mà thế kỷ trước các họa sỹ nổi tiếng của Nga lập ra đến đây sinh sống và sáng tác, nay họ chỉ gọi địa danh là Abramsevơ. Nơi đây cách xa thành phố, mới đi mấy ngày đã nhớ quay quắt nơi mình ở, có muốn về cũng chẳng biết đường nào. Ban ngày đi trượt tuyết, dạo chơi trong rừng theo những con đường mòn đầy tuyết, tối về cùng nhau ca hát nhảy múa ở câu lạc bộ khá vui.



     
Trong ký túc xá, phòng nào cũng có lò sưởi bằng nhiệt, nước nóng chưa trong hệ thống ống gang toả nhiệt nên vẫn ấm áp dù cho màu đông nhiệt độ ngoài trời thường -10 độ và vào những đợt lạnh có khi âm đến 20 độ hoặc hơn. Ngại nhất là khi có việc phải ra ngoài trời phải trùm kín, trên đầu thì mũ lông, áo lông, chân đi giày lông, găng tay có lớp lông hoặc mút dày mà vẫn rét. Nếu có việc phải đi ngoài phố lâu thì tai, mũi và mấy đầu ngón chân tê cóng, đau nhức như không còn cảm giác. Có những người Nga để ria dày, đi lâu ngoài phố hàng ria đóng băng trắng xoá trông thật ngộ




 
NHỮNG KỈ NIỆM NHO NHỎ

     
Những ngày đầu tiên ở Liên Xô với biết bao nhiêu điều mới lạ, bỡ ngỡ mà mỗi người trong chúng ta đều có những khám phá bất ngờ, thú vị khác nhau. Có một chuyện tưởng như đơn giản nhưng cũng làm chúng tôi ngạc nhiên vì lòng tốt của những người Nga. Đó là chuyện hỏi đường khi bị lạc.
 
     Dạo đó, tôi và một vài thằng bạn nữa chúa là thích ngủ nướng, trời rét, chăn nệm ấm nên cứ tự nhủ chậm một vài phút không sao nhưng tác hại của việc muộn giờ thì ai cũng biết rồi.
     Hôm đó, nhà trường tổ chức cho sinh viên nước ngoài đến tổng kiểm tra sức khỏe lần đầu, đây là qui định bắt buộc đối với người mới nhập cảnh vào Liên Xô.


      Buổi sáng, đúng giờ xe đưa sinh viên đi, riêng tôi và một thằng bạn bị chậm do ngủ nướng, mở cửa thấy có mẩu giấy của lớp trưởng ghi địa chỉ phòng khám đa khoa ở trung tâm thành phố, gần ga metro Park Kunturư. Hai thằng quyết định xuống metro tìm đến phòng khám cho kịp đăng ký.
Đến ga metro, chúng tôi mới thật sự lúng túng không biết lên đường nào, có đến mấy đường lên mặt đất, bởi ga này có cả đường rẽ sang đường vòng tròn đi quanh thành phố. Hai thằng quyết định cứ lên mặt đất đã rồi hỏi đường.

     
Người thì đông, lên mặt đất là họ đi lại tất bật như mắc cửi và ai cũng như đang rất bận rộn, phải chọn người mà hỏi. Lại còn cách hỏi nữa chứ, tôi nhẩm đi nhẩm lại câu hỏi đường mà Thầy giáo đã bày cho đến thuộc làu, phải hỏi một cách thật lịch sự người ta mới có cảm tình.


      Đầu tiên, tôi hỏi một người đàn ông mặc comple tay xách cặp, đưa mảnh giấy ghi địa chỉ cho ông, ông nhìn quanh một lúc rồi lắc đầu nói tôi từ rất xa đến nên không biết vùng này, ông đưa mảnh giấy hỏi một thanh niên đi ngang qua nhưng người này làm điệu bộ nhún vai lại huơ huơ tay chỉ sang khu vực bên kia.

     
Hai thằng xuống đường hầm đi sang bên khác, gặp một người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu rất khó đoán tuổi, không già lắm nhưng cũng không còn trẻ. Chúng tôi hỏi đường rồi cũng đưa mảnh giấy ghi địa chỉ. Người phụ nữ xem một lúc rồi hướng dẫn chúng tôi đi thẳng, rẽ trái, rẽ phải...loạn xì ngầu. Tôi thực sự lúng túng nhưng cũng cứ gật...gật...đa...đa...cho qua chuyện. Sau một thoáng suy nghĩ, người phụ nữ nhìn cái mặt ngẩn tò te của hai thằng tôi rồi phẩy tay: "Thôi được rồi, đi theo tao". Thế là hai thằng lúc cúc đi bộ theo bà. Đi thẳng, rẽ trái, rồi rẽ phải một hồi chừng 20 phút mới đến trước một tòa nhà 5 tầng dài dài của phòng khám đa khoa nơi chúng tôi cần đến rồi bà mới chỉa tay chúng tôi. Hai thằng cảm thấy lúng túng vì sự nhiệt tình của bà và ân hận vì một sơ suất mà dẫn đến làm phiền người khác nhưng cũng cảm nhận được sự chân thành, sự nhiệt tình giúp đỡ của người phụ nữ Nga không quen biết đã bỏ công việc của mình để giúp đỡ chúng tôi. Tạm biệt người phụ nữ, chúng tôi cám ơn rối rít nhưng bà lại phác cử chỉ phẩy tay như bảo "Không huyện nhỏ ấy mà" rồi theo đường cũ quay trở lại ga metro tiếp tục đi theo công việc của mình.
Đã nhiều năm trôi qua nhưng cái chuyện nhỏ ấy đã để lại trong tôi một tình cảm đẹp về những người dân Nga đôn hậu, nhiệt tình, hào hiệp luôn thích giúp đỡ người khác một cách chân thành, vô tư.
     Tự suy ngẫm: Còn bạn và tôi, đã có ai trong chúng ta có một lần chỉ đường cho người lạ như người phụ nữ Nga kia chưa nhỉ?



                     KỈ NIỆM VỀ THẦY NÔ- XỐP


     Trong suốt thời gian 5 năm sống và học tập ở Matx...chúng tôi đã được nhiều Thầy giáo, Cô giáo mà chúng ta thường gọi nôm na là "Ông giáo, Bà giáo" ở các bộ môn giảng dạy và có nhiều ấn tượng đẹp về sự giúp đỡ, dạy dỗ ân cần của các Thầy, Cô, nhưng ấn tượng sâu sắc nhất với tôi là hai người Thầy, một trẻ, một già, một khởi đầu năm học đầu tiên, một kết thúc lúc ra về. Đó là Thầy giáo dạy môn tiếng Nga và Thầy hướng dẫn viết luận văn tốt nghiệp.

 


     
Buổi học đầu tiên, tôi được tiếp xúc với thầy Nôxốp V.G., thầy còn khá trẻ, dáng tầm thước so với tầm vóc của người Nga, mái tóc vàng hơi xoả xuống che phía bên trái vầng trán rộng, cặp kính và hàng ria với nụ cười thân thiện, đó là hình ảnh khái quát của Thầy.
    Lớp dự bị khoảng 15 sinh viên đến từ các nước Việt Nam. Lào, Campuchia, Mông Cổ..., tôi ngồi bàn đầu gần bục giảng. Buổi học đầu tiên, sau khi giới thiệu làm quen, Thầy giáo dạy chúng tôi học phát âm. Gần một năm, chúng tôi đã được học tiếng Nga trong nước nên tiếp cận cũng khá nhanh nhưng việc phát âm xem ra cần phải chỉnh sửa nhiều, có rất nhiều âm tiết không một ai phát âm đúng. Đến lúc học phát âm từ (tạm gọi là "R" 3 chân), Thầy phải há miệng ra chỉ cho chúng tôi lưỡi phải chạm khoang miệng thế nào, bật hơi ra sao nhưng không một ai phát âm đúng, đọc nhẹ đi thì thành "R", đọc nặng hơn thì thành "S". Tôi khá tự tin vì khi học tiếng trong nước, được Thầy giáo giao cho học thuộc lòng bài "Đợi anh về" trong đó có rất nhiều từ sử dụng âm tiết này và đã được


      Thầy trong nước luyện nhiều nhưng khi đó nghe tôi phát âm, thầy Nôxốp không hài lòng, đọc đi đọc lại mấy cũng không đạt. Thế là Thầy bảo tôi há miệng ra, tôi chưa hết ngạc nhiên thì thấy Thầy lấy quản bút dùng khăn musoa lau qua ấn vào lưỡi tôi. Tôi làm theo hướng dẫn của Thầy mấy lần thì phát âm được. Đến lượt các bạn khác, Thầy cũng làm như vậy. Suốt cả năm học dự bị Thầy đã dạy chúng tôi với sự chỉ bảo tận tình như thế nên chúng tôi học hành tiến bộ, kiểm tra cuối năm 100% đạt điểm vào học chính thức(các khóa khác có người không đạt phải về). Sau này tôi nghe nói, vì cái sự việc đưa quản bút vào miệng học sinh ấy, có ai đó đã báo cáo với Nhà trường và Thầy bị khiển trách, tôi thấy thương Thầy hơn.
     Ngoài việc dạy học, Thầy cũng rất quan tâm đến việc ăn ở của chúng tôi, đối xử mật thiết như một người anh, biết chúng tôi quen ăn cơm mà gạo ít nơi bán, có người chưa quen ăn đồ ăn Nga nên Thầy bỏ thời gian đi tìm cửa hàng có bán gạo, vẽ đường cho học sinh đi mua hoặc tiện đường thì Thầy mua giúp. Chỉ một việc nho nhỏ ấy thôi chúng tôi cũng cảm nhận được tình thân thiết gắn bó giữa Thầy và trò.

 

     
Tôi là đứa học trò khá nghịch ngợm hay trêu Thầy. Có lần chuẩn bị lên lớp, cả lớp ngồi đợi Thầy, tôi mở tấm bảng ba mảnh sơn xanh đã được lớp trưởng lau chùi sạch sẽ, chỉ bằng vài nét phấn tôi hí họa chân dung của Thầy: một đường vẻ mái tóc xỏa xuống vầng trán rộng bên trái, cặp kính, hàng ria...Thế là đã có chân dung Thầy, tôi ung dung về chổ ngồi. Lớp trưởng hò hét xóa ngay nhưng Thầy đã xuất hiện ở cửa. Cả lớp đứng chào Thầy và lo Thầy quở trách, nhưng không, Thầy nhìn bức hí họa mỉm cười rất tươi và nháy mắt chỉ vào tôi: Đây là tác giả bức tranh phải không? Không sao, thỉnh thoảng đùa một tí cũng vui. Rồi thầy bảo tôi, nếu thích thì lúc nào rảnh Thầy sẽ đưa đến phố đi bộ có nhiều họa sỹ vẽ tranh ở đó mà học vẽ thêm.

 

     
Tôi nhớ mãi dịp chúng tôi về Len thi olimpic tiếng Nga. Trước khi đi, Thầy đã tập cho chúng tôi một vài tiết mục văn nghệ để tham gia thi, trong đó tốp nam được Thầy dạy bài Kalinka. Đây là bài hát tiếng Nga đầu tiên mà chúng tôi được học và tự biết khả năng này có nhiều hạn chế, có nhiều bạn hát tiếng Việt một câu chưa trọn nói gì đến hát tiếng Nga. Vậy nhưng, Thầy vẫn kiên nhẫn tập để chúng tôi hát được.
     Hôm lên tàu đi Len, tôi với hai người bạn nữa được xếp cùng cupe với Thầy, sắp xếp chổ cho học sinh xong, Thầy lôi trong túi xách ra một ổ bánh mì đen, một súc canbaxa, mấy quả dưa muối, cà chua và một chai Stolichnaia. Hóa ra Thầy đã chuẩn bị đầy đủ đồ nhậu để thầy trò cùng vui vẻ. Thế là, mặc cho tàu cứ rung rung lắc lắc với tiếng rào rạo của đường ray thẳng tiến về Len, mấy Thầy trò làm xong béng chai vodka mà vẫn thấy thèm thuồng.

 

     
Ngày thi tiếng Nga ở Len, đến tiết mục thi hát tiếng Nga, thầy trò cùng hát, ai cũng sợ quên lời nên ghi sẵn phần lời ra giấy vừa xem vừa hát. Khi biểu diễn, bọn tôi ê a hát như kiểu hát bè vì chú ý "đọc" được lời thì sai nhịp, trật giai điệu nên hầu như chỉ nghe tiếng thầy hát là chính, chỉ đến đoạn điệp khác Kalin Kakalin...vì dễ nên chúng tôi mới gào thật to. Ấy thế mà tiết mục cũng được giải khá.
     Còn nhiều kỉ niệm nữa về tình thầy trò, trong phạm vi bài này không thể kể hết được.

 

     
Sau khi về VN, chúng tôi không liên lạc được với Thầy, vì nghe nói Thầy đã chuyển đi dạy trường khác. Bây giờ, sau hàng chục năm xa thầy nhưng tôi vẫn còn nhớ mãi như in hình bóng của người Thầy giáo Nga rất đỗi tận tình thân thiết, đã dìu dắt dạy bảo chúng tôi học hành và vốn sống trong thời gian đầu ở Liên Xô.
     Và với tôi, những kỉ niệm về Thầy Nôxốp sẽ không bao giờ phai nhạt trong ký ức của mình.


CHIẾC TÚI KỶ NIỆM

     
Đó là một chiếc túi du lịch khá to được may bằng vải bố dày màu nâu, có cặp quai vừa xách vừa khoác vào vai được. Nó là vật rất đỗi bình thường để đựng hàng hoá, đồ vật nhưng lại gắn liền với một kỷ niệm nho nhỏ của tôi trong những năm tháng học tập ở Liên Xô.
     Mùa hè năm ấy, được nghỉ gần 3 tháng chẳng biết làm gì, muốn về phép thì không có tiền mua vé máy bay, rồi hàng hoá, quà cáp...lỉnh kỉnh cái gì cũng cần khá nhiều rúp nên đành ở lại nghỉ hè ở Mát hoặc đi chơi đây đó cho khuây khoả. Trong ốp bạn bè đi vắng cả, mỗi người toả đi một phương, ai lo phận nấy nên ở nhà cứ đi ra đi vào buồn như chấu cắn.

 

     Tình cờ làm sao, một ngày nọ có hai người đồng hương biết địa chỉ tìm đến thăm nhân tiện về Mat mua một ít hàng hoá mang về bán lại. Hai cậu công nhân cùng quê sang lao động ở một thành phố thuộc vùng Capcat gần Grudia có cái tên khá dài: Nhevinnommưxcơ, nghe đâu cách mát đến gần ba ngàn cây số.
     Ở chơi một hai hôm, mua sắm đủ hàng, thấy tôi ở nhà một mình, hai cậu rủ về Nhevin...chơi một chuyến. Nghe khá hấp dẫn và thế là bằng lòng đi.
     Dạo ấy người nước ngoài ở Mát muốn đi đâu đó mua vé tàu rất khó. Có viza, hộ chiếu, thẻ sinh viên thì đi xếp hàng mua vé ở Inturit, không có thì phải mua chui.
     Ba anh em xuất hành đến ga Kurxki vào xếp hàng mua vé, tôi trực tiếp xếp hàng mua vì tiếng Nga của hai anh kia hơi ngắn, hơn nữa lại muốn thể hiện mình là chủ, dân Mát chính hiệu, thông thạo mọi điều(!). Xếp hàng đến lượt, cô bán vé trả lời nhấm nhẵng: Sinh viên VN hả, ra Inturit mà mua, lại còn bày đường đi cẩn thận nữa chứ. Nhưng ra đấy thì chỉ mua được một vé của tôi, hai vé nữa làm sao mua được. Xếp hàng sang mấy cửa khác cũng được trả lời như thế, đành nghĩ cách lừa nó mua chui thôi.
     Mấy anh em quanh quẩn ở đấy với ý định họ không bán cho người nước ngoài thì ta nhờ người Nga mua giúp, thêm một ít tiền bồi dưỡng chắc họ đồng ý. Tôi nhờ một hai bà người Nga nhưng họ đều từ chối. Cố đứng đợi thế nào cũng có người giúp.
     Vừa may lúc ấy chúng tôi phát hiện một ông già đứng quanh quẩn gần đấy, không biết ông ấy đi đâu nhưng chẳng thấy xếp hàng mua vé. Ông già có vóc người nhỏ thó, mặt hơi nhăn nheo, mặc cái áo vet màu xanh hơi cũ, đầu đội cái mũ vãi mềm. Tôi mừng thầm: gặp vận may rồi và tiến lại gần chào hỏi, đặt vấn đề nhờ ông mua hộ 3 vé đi Nhevin. Ông thoáng chút ngần ngừ, tôi bảo sẽ thêm cho ông từng ấy rup sau khi mua được vé. Ông già vui vẽ nhận lời ngay.


      Đưa đủ tiền mua 3 vé tàu cho ông, ông đứng xếp vào hàng còn chúng tôi đứng cạnh để chờ kết quả. Một lát, ông già bước đến bảo: Chúng mày đứng xa ra kẻo họ thấy họ không bán đâu. Này, cầm hộ tao cái này rồi đi lại đầu ghế kia ngồi mà đợi. Nói rồi ông đưa cái túi xách của ông cho một anh bạn tôi giữ hộ.
     Một chàng trong bọn sáng kiến: tầng 2 có cái buphét, ta lên đó làm tý gì đi, ông ấy xếp hàng chắc đang lâu mới đến lượt. Nghe bùi tai, cả bọn lên tầng 2 mua bánh và mấy chai fanta.
Chừng 20 phút sau, chúng tôi đến chỗ xếp hàng mua vé, không thấy bóng dáng ông già đâu, hỏi người đàn ông to béo đứng xếp hàng sau ông già lúc nãy, ông ấy làm điệu bộ nhún vai rất điệu nghệ: Nhiznaiu.
     Cả bọn toả ra đi tìm khắp nhà ga, chẳng thấy đâu. Tìm, đợi hơn một giờ sau cũng chẳng thấy. Phòng đợi tàu người ra người vào tấp nập biết tìm ở đâu? Một anh bảo mở túi ra xem thế nào, nhưng tôi không cho vì như thế chẳng lịch sự chút nào cả.
     Cuối cùng, đợi mãi, biết có đợi cũng vô ích, mọi hy vọng tiêu tan, tôi quyết định kéo khoá cái túi xách. Cả bọn ồ lên ngạc nhiên, trông cái túi phồng phồng hơi nặng nhưng chả có gì đáng giá: Mấy nắm to giấy báo cũ vò lại nhét đầy các ngăn nhỏ của túi xách, một ổ bánh mỳ ăn dở đã khô queo, mấy thứ gì đó bằng nhựa và gang giống như phụ tùng sửa ống nước cũ thay ra.
     Thế là bị lừa. Lần đầu tiên bị lừa ngay ở Mát, mất toi gần 3 tháng học bổng chứ ít đâu, thật trớ trêu, vừa tức, lại vừa buồn cười cho cái ngờ nghệch cả tin của mình.
     Chuyến ấy, cuối cùng ba anh em chúng tôi cũng mua được vé tàu về thành phố Nhevin. Suốt chuyến đi, mấy anh em bảo vứt chiếc túi xui xẻo ấy đi, Nhưng không, tôi chỉ vứt mấy thứ vớ vẫn bên trong đi, còn giữ chiếc túi lại làm kỉ niệm.
     Mấy năm sau, mãi đến ngày chuẩn bị hành lý về nước, lục trong hộc tủ thấy lại chiếc túi xách màu nâu. Mĩm cười và thoáng một chút buồn. Chia tay nhé.
     Đúng là một kỉ niệm không vui, nhưng bây giờ tôi lại ước mình được đứng xếp hàng chờ mua vé ở ga Kurxki lần nữa. Đơn giản vậy thôi mà không thể nào làm được.


Những cú lừa ngoạn mục:
1. Tài thật
     Đó là dịp đi tiễn một nàng đồng hương ở Krasnođa lên chơi ra ga Kurxki để lên tàu. Thường thì bạn bè đến chơi khi tiễn ra ga, để tiết kiệm, đưa các nàng xuống metro rồi ra ga cũng tiện  nhưng hôm ấy trời lạnh nên hai đứa đứng vẫy taxi trên phố ngay trước ốp.
Đang đợi xe có "mào"- cách gọi xe taxi tính tiền theo đồng hồ của nhà nước, xe này không mặc cả- thì có một chiếc không mào trờ đến. Một cô gái nhỏ nhắn có lẽ là người của một nước Trung Á nào đó khoác túi xách bước ra, tay lục lục túi. Nhìn dáng điệu vội vã tôi đoán cô đang có việc gì cần giúp đỡ. Thì ra cô ấy cần tiền lẻ để trả tiền taxi. Có ngay. Đổi cả nắm tiền lẻ lấy một tờ tiền chẵn ai chả thích.
Tôi và em lục túi để đếm đủ số tiền lẻ đổi lấy 500 rúp của cô gái. Vét một hồi gom lại cũng đủ nên hai bên đưa tiền cho nhau. Tôi đưa 500 rúp chẵn cho em, còn cô gái ấy cứ đếm đi đếm lại hai ba lần dáng vẽ ngần ngừ. Sau đó cô ấy đưa tiền lại và bảo tiền lẻ quá không đổi nữa, em trả lại 500 rúp cho cô ta rồi cầm lấy mớ tiền lẻ cô ấy vừa đưa lại. Cô gái cảm ơn rồi lên xe, chiếc Lada lao vọt đi thật nhanh.
Tôi thấy ngờ ngợ bảo em đưa nắm tiền em vẫn cầm trên tay đếm lại mới tá hỏa: chỉ còn một nửa số tiền định đổi.
Vừa ngay lúc đó thì có taxi. Tôi giải thích và giục bác tài đuổi theo, bác tài cũng nhấn ga vọt lên nhưng đến ngã ba đèn xanh đỏ xe phải dừng lại, còn chiếc xe kia vừa vọt qua được. Hai đứa nhìn chiếc Lada có cô gái tóc đen nhỏ nhắn chạy cách vài chục mét mà chịu. Thế là bị nó lừa.
Tài thật!         


NHỮNG KỈ NIỆM THỜI SINH VIÊN




Ngày sinh nhật thời sinh viên

     Từ nhỏ đến lớn, thực ra vì nhiều lý do nên lứa tuổi như chúng tôi chưa biết kỉ niệm ngày sinh nhật là thế nào. Về phong tục thì ở ta ít ai tổ chức lễ mừng sinh nhật, rồi đất nước chiến tranh, hòa bình nhưng đời sống kinh tế văn hóa còn nhiều khó khăn, chưa phát triển...nên từ bé đến khi sang Liên Xô học tập tôi chưa hề có lễ mừng sinh nhật nào. Bây giờ thì khác xưa rồi, mặc dù không tổ chức cho mình nhưng đến ngày sinh nhật thì con cháu được bố mẹ tổ chức mừng sinh nhật, nhìn nét mặt hân hoan rạng rỡ trong ngày sinh nhật của thế hệ sau, tôi thấy đây là một phong tục đẹp cần phải học và duy trì.


     Hồi đó ở trường tôi và chắc là các trường khác cũng vậy, có tục mừng sinh nhật rất hay. Khi mới vào năm học chính thức, lớp trưởng(bạn người Nga) nắm toàn bộ danh sách của lớp với đầy đủ thông tin về ngày sinh của từng người, sau đó làm việc với nhà trường và giao cho Khóa trưởng phụ trách khâu này. Trong buổi lekxi vào ngày sinh nhật hoặc gần trước ngày sinh nhất, vào đầu giờ học trên giảng đường, trước toàn thể sinh viên của Liên Xô và nước ngoài, khóa trưởng, lớp trưởng phát biểu ngắn gọn chúc mừng sinh nhật, có khi chỉ một người nhưng cũng có khi có nhiều bạn trùng ngày sinh ở nhiều lớp khác nhau. Sau đó mỗi người được tặng mấy đóa hoa cẩm chướng được bọc trong giấy bóng thắt nơ khá đẹp, có lúc có ai đó người VN mình còn được người tặng hoa(tùy theo lớp trưởng nam hay nữ) thơm một cái vào má nữa mới sợ làm sao.



     Tôi nhớ lần sinh nhật năm ấy, sau hơn 2 tháng được học chung với bạn, mình được xướng tên chúc mừng sinh nhật, được tặng hoa, cảm giác thật khó tả, xem phim ảnh thì biết rồi nhưng đến lúc ấy mình cảm thấy thật vinh dự và tự hào và lòng thầm cảm ơn những đất nước và con người (trong đó có Liên Xô) đã sinh ra cái phong tục tốt đẹp này, đồng thời lại biết tổ chức thể hiện sự quan tâm đến sinh viên như thế. Một sự quan tâm dù nhỏ thôi nhưng cũng đủ cho tôi cảm nhận được những cái hay, cái đẹp.
     Buổi tối hôm đó, tổ chức sinh nhật gọn nhẹ, mời một vài bạn cùng lớp có nữ có nam ọp ẹp sơ sơ, uống rượu- nhất định phải có Vodka và Sampanh Covetxkoie, bật đĩa hát(sau này có catset nhảy nhót tý cho tỉnh rượu.
     Có lần mình phịa ra cái cớ để mời bạn cùng lớp đến sinh nhật, không ngờ nó nhớ nên tròn xoe mắt bảo: vừa mới sinh nhật tháng trước kia mà. Thoáng một giây trả lời nhanh: sinh nhật thằng bạn rất thân, khác lớp. Thế là ổn.
Bây giờ cứ đến ngày sinh nhật, nhớ kỉ niệm xưa lòng thấy bồi hồi niềm vui.








"Xamagon madein Việt Nam"
     Học suốt cả tuần căng thẳng nên thứ 7 và chủ nhật được nghỉ là lại muốn vù đi đâu đó cho khuây khoả, vừa vui vẽ với bạn bè đỡ nhớ nhà lại vừa khám phá bao điều mới lạ của xứ người.
Chiều thứ 6 nào cũng vậy, sau tiết học cuối là mấy anh em rủ nhau tìm đường đi "cứu nước", nhưng đi gần thôi, không đi xa. Ai có bạn gái quen thân thì về Noghin, Tula, Klin, Naraphomin, Lopnhia...nhiều nơi lắm và toàn là ốp của nữ công nhân sang làm nghề dệt may. Ai không có nơi đi thì cứ bâng khuâng lộn ra quay vào. Trong một lần như vậy, tôi quyết định hành quân về Likino Zulevo.
     Likino ở cách Mat không xa lắm, đi tàu eletric từ ga Kurxki khoảng tiếng rưỡi là đến, khi đi tạt vào cửa hàng thực phẩm nào đấy mua thực phẩm, đồ nhậu mang theo bởi ở thị trấn ấy thực phẩm cũng khá khan hiếm. Xuống tàu, đi tiếp chừng 5 bến ôtô buych nữa, đi bộ thêm một quãng là đến một ngôi nhà 5 tầng nằm khá biệt lập với khu dân cư. Ốp công nhân này có khoảng 300- 400 nam, chủ yếu là người quê các tỉnh phía bắc, trong đó có một đội quê ở Bình- Trị- Thiên. Tiếng là ốp công nhân nhưng vào ra cũng khó khăn lắm bởi mấy bà già gác dan ở tầng 1. Sau này nhiều lần xuống đó tôi phải giả trang, mặc thêm quần áo như anh em đi làm về rồi trà trộn trong tốp công nhân đánh lừa các bà lão mới lên được phòng, hoặc khi kẹt quá thì trèo qua thang thoát hiểm phòng cháy, ống nước phía sau nhà để leo vào cửa sổ. Nói chung VC mình cũng lắm sáng tạo và hầu hết là có hiệu quả.
     Mỗi phòng bố trí ở hai người, rộng chừng 15 mét vuông, đủ chổ kê hai cái giường nệm lò xo, hai cái tủ quần áo cá nhân, một cái bàn sử dụng chung, một khoảng trống ở của ra vào. Thế thôi. 
     Đang là thời kì dân Liên Xô hạn chế uống rượu nên rượu khá hiếm. Thế nhưng với năng lực sáng tạo bẩm sinh, Cộng ta lại có cách riêng của mình- Nấu rượu lậu, chúng tôi hay gọi là Xamagôn Việt Nam. 
    Phòng tôi về làm khách có một bác chuyên trị nấu loại rượu này. Số là quê của bác này ở vùng Ba Đồn, Quảng Trạch, Quảng Bình, một vùng quê có loại rượu ngon nổi tiếng của Bình - Trị- Thiên thời đó. 
     Nhân đây cũng xin kể sơ về việc bán rượu ở chợ Ba Đồn. Người thích uống rượu ngon thì cứ việc ra chợ mà uống- uống thử rượu. Rượu nấu từ nhiều gia đình khác nhau nhưng có lẽ do men và nguồn nước nên rượu Ba Đồn đóng chai nút lá chuối khô nhưng nổi tiếng là đặc sản một thời. Các quán bán rượu chào mời rất nhiệt tình, rượu mẫu nên nhà nào cũng chọn rượu ngon cho vào trong bi đông bộ đội, có cái nắp bằng nhựa bé tý màu nâu. Trong vai người đi mua rượu, thử hết lượt từ đầu chợ đến cuối chợ, mỗi quán một nắp bi đông rượu ngon. Thế là trời đất cũng liêu xiêu nghiêng ngã say. 
     Nguyên liệu nấu xamagôn rất đơn giản: Đường, cà chua rất sẵn dễ mua, còn gạo hơi hiếm nhưng chịu khó lùng cũng tăm mua được mỗi lần cả chục ký, men ủ được gửi từ bên nhà sang nên chuyến nào có người về phép là có mấy ký men, cái này hải quan cả hai cửa khẩu ta và bạn đều không cấm.
     Cách nấu cũng phải thật sáng tạo, dụng cụ chỉ có cái nồi áp suất, chậu nhôm, mấy cái ống dẫn loằng ngoằng rồi chế lại theo kiểu nồi nấu ở VN là dùng được. Tất cả đồ lề ấy cho gọn vào trong cái tủ quần áo cá nhân, rất kín. Khi nấu, có mùi rượu toả ra thì đục lỗ thông hơi từ nồi nấu giấu trong đường ống nước bằng gốm ở tường nhà chạy lên mái. Cẩn thận thế nên nhiều lần cảnh sát đến kiểm tra đều không phát hiện được vì theo luật, cảnh sát khi kiểm tra không được mở các tủ cá nhân của công dân, nếu mà họ biết được chắc là toi. 
     Một số lần về đúng dịp các bác ấy cất nồi, tôi đều được thưởng thức loại rượu này. Rượu mới cất, đang ấm, uống vào nó hơi khắt và sốc, thứ xamagôn này không có hương vị như vodka, hơi khó uống nhưng có rượu là tốt rồi. Hôm đầu, thấy rượu âm ấm, cứ tưởng nhẹ, làm mấy ly 7 kop liền nên chưa tàn cuộc nhậu đã ngủ luôn trên bàn. Nó nặng độ thế nên tụi tây rất khoái.
     Cách tiêu thụ cũng khá đơn giản. Rượu nấu xong không đóng vào chai mà cho vào từng gói ni long loại dày, nhỏ dẹt bằng bàn tay, sau đó nhét vào tất cả các túi của cái áo khoác quân đội Mỹ, gọi nôm na là áo NATO. Thời đó ở VN sang mang được áo NATO cũng có giá lắm. Tôi hơi ngạc nhiên là các nam cộng mình hay mặc áo NATO, sinh viên thì thường không mặc, sau đó mới biết cái áo NATO này vừa mốt mà lại rất được việc.
     Nghe các bác ấy kể rằng, với cách giấu trong áo NATO nên ngày nào cũng mang rượu vào nhà máy mà không ai hay biết, sau đó anh tây nào cần thì dúi cho mấy anh ấy, mỗi túi chừng chục rúp, có anh mỗi ngày lấy 2- 3 túi, thế là lãi chán. Có loại rượu này rồi thì cũng chẳng cần cốc chén gì, đưa lên miệng cắn một lỗ nhỏ, sau đó búng...búng cái cần cổ vài cái là phê.
    Có bác cộng mình còn táo tợn hơn, mua một hai túi, giờ giải lao rủ các ẻm tây vào trong kho chứa đồ, "biếu không", không lấy xèng nào, khi được rủ là em nào cũng nhanh nhảu đi. Thích thế!
     Cái khó nó bó cái khôn nhưng với sáng tạo của một số bác công nhân nên làm theo cách đó mà cũng lắm bác nhờ nấu, buôn rượu kiểu này mà sau mấy năm đóng được thùng hàng đầy gửi về VN.
     Âu cũng là một cách làm cách nghĩ đậm chất "madein VN".


Sang Nga "dùng" đồ ngoại":

     
Sau khoảng một tuần, được các anh lớp trên bao ăn và hướng đạo mọi chuyện hoặc ăn ở buphet, chúng tôi quyết định nấu ăn riêng. Gọi là chúng tôi vì phòng có hai người, năm dự bị nên trường cho "Việt cộng" ở với nhau, em ở cùng phòng với một anh lớn tuổi hơn nhưng hơi "khó" tính vì lão chẳng chịu đi đâu, em dụ dỗ thế nào cũng không lay chuyển. Buổi sáng đi học về, nghỉ một tí là dúi đầu vào hai cái tập từ điển dày cộp nổi tiếng mà em chắc mọi người đi Nga ai cũng dùng, suốt ngày cứ tra tra, viết viết, thỉnh thoảng còn quấy rầy nhau để hỏi nghĩa của từ này từ kia nữa chứ. Em thì liếc qua em đã đoán cái đoạn ấy nói cái gì rồi. Nhưng được cái là vì siêng năng thế mà lúc nào kiểm tra trên lớp, lão đều được Thầy giáo cho điểm cao hơn em. Không sao, Thầy cho "khơrasô" là "tốt" rồi mà! Cũng đúng thôi, bởi em muốn tận dụng thời gian vốn đã rất ít để khám phá biết bao nhiêu điều mới lạ, còn lão ấy thì không.
     Bữa ăn riêng đầu tiên: em xung phong đi chợ, lão đồng ý ngay. Sau một hồi dạo quanh 2- 3 cái "prađuctư" cách đó không xa, em quyết định mua hai con gà. Gà cũng có nhiều loại, gà của Liên Xô giá rẻ hơn nhưng còn để nguyên con, sau này mới biết anh chị em mình thường gọi là gà "thể thao" (Vì gà này chăm tập thể thao quá nên thịt nó luộc kỹ mà nhai không ra), nhưng có loại gà nhập ngoại của Bun, Hung thì trông mới thật hấp dẫn, nó tròn một cục, trong bao bóng kính, không có chân có cổ gì cả. Em chọn hai con gà Bun, mỗi con khoảng hơn một kí, giá thời ấy khoảng 1,5- 2 rup gì đó xách về. Lão cùng phòng trố mắt. Không sao, bữa đầu tiên em chiêu đãi, bằng giá mấy cái bút chì chứ nhiều nhặn gì.
     Theo phân công, em đi chợ thì lão phải vào bếp, em đợi cơm nhưng thỉnh thoảng chạy ra chạy vào bếp xem lão nấu món gì. Cái lão kẹo ấy định cắt miếng kho ăn với bánh mì nên cất một con gà vào tủ lạnh, em lôi ra bảo luộc tất, chẳng có kho, xào gì cả. Ăn làm sao hết? Không hết để mai. Thế là lão nghe theo.
     Dọn ra, hai con gà Bun luộc chín trắng phau thật hấp dẫn tuy chẳng có lá chanh, gia vị gì, em qui định thêm mỗi người phụ trách một con. Không có rượu, cặp "Lúa mới" xách sang đã "đẩy" đi rồi. Em chạy sang hàng xóm vay mấy chai bia, không có, chỉ còn khoảng 1/3 chai vodka họ uống dỡ lúc nào để lại. Tạm được.
     Lần đầu tiên- đúng là lần đầu tiên được ăn một mình một con gà nên thằng nào cũng "chiến đấu" hăng say. Hai thằng xé gà chấm muối, ăn "chay", thỉnh thoảng nhấp tí rồi khà, rồi xé gà tiếp.
    Sau cuộc "chiến", phần em còn lại một ít lưng gà vốn rất ít thịt và cái chính là no quá nhưng miệng vẫn còn thèm, còn bên lão ấy, hỏa lực yếu hơn nên lão xoa bụng chỉ vào non nửa con gà "Ớn...quá..".
     Sau này, không có lúc nào "dùng đồ ngoại" nhiều như thế nữa nhưng ấn tượng về bữa thịt gà đầu tiên thật đáng nhớ đối với em. Không biết bây giờ lão ấy có lên mạng không, nếu đọc những dòng này chắc lão cũng một mình cười rúc rích.


Một chuyến đi về Orekhovo

     Một hôm, vào ngày cuối tuần được nghỉ học hai ngày, tôi dự định về ốp sản xuất lắp ráp ôtô Likinô Dulevo chơi với mấy người bạn đồng hương Bình Trị Thiên đang làm việc tại nhà máy này. Đây là nhà máy lắp ráp loại ôtô khách mang cái tên "Hải Âu" rất thông dụng ở Việt Nam hồi đó.
     Chiều thứ 6, sau buổi học cuối là tót xuống metro đến ga Kurxki để lên tàu đi Likinô, không quên ghé cửa hàng mua mấy con gà Bun, súc thịt bò, ít rau để xuống làm đồ nhậu cho nhanh vì ốp này toàn là những anh chàng "phòng không" cả.
     Lên tàu, chọn ghế trống gần cửa, mỗi khi đi tàu là tôi thường có ý thích ngồi gần cửa như vậy, hàng ghế đối diện đã có mấy bà người Nga ngồi trước.
   
 
 
     Đợi mãi rồi cũng có ôtô, về đến Likinô đã khá muộn, lại một phen rắc rối với bà trực ốp, nói ngon nói ngọt mấy cũng không lay chuyển, thằng bạn cầm thỏi son môi xuống biếu cũng không gật. Thế là dù trời rét, mấy thằng bạn vẫn tổ chức cho tôi lên phòng qua cái thang chửa cháy rồi leo qua cửa sổ, bà trực ốp vẫn không hay biết gì.
     Đêm đó, trong bữa nhậu vui say nhưng tôi nào dám kể chuyện mình về Orekhovo làm gì, biết được chúng nói lại không cười cho suốt cả năm.



Gặp ông già Cựu chiến binh Liên Xô:

     
Sang Mát được một thời gian, nơi ăn học đã ổn định, tôi cố gắng đi nhiều để khám phá phong cảnh phố phường thủ đô. Hồi đó, để tiết kiệm nên đi đâu cũng chưa dám đi taxi mà chủ yếu đi bằng metro là chính nhưng trước khi chui xuống tàu điện ngầm thì cũng phải đi mấy bến ôtô nữa.
     Có một lần, vừa lên ôtô buych tôi gặp ngay một ông già Cựu chiến binh. Biết ông là Cựu chiến binh vì trên ngực áo của ông đeo khá nhiều huân huy chương. Sau này mới biết các cựu chiến binh Liên Xô rất ít người đeo huân huy chương như ở Việt Nam mình mà họ chỉ đeo mỗi cái cuống huân chương thôi. Cuống huân huy chương được lồng vào một lớp giấy nhựa bóng cứng ghép liền nhau thành một khối. Thế mà có nhiều ông, bà cựu chiến binh chỉ đeo cuống huân chương thôi mà đã dài bằng cả gang tay trước ngực. Thế mới biết thành tích, chiến công của các cụ ấy.
     Vừa lên xe gặp ông già cựu chiến binh, ông bắt chuyện với tôi ngay. Ông hỏi tôi là người nước nào. Tôi bắt chuyện, trả lời ông mình là người Việt Nam, sang đây học tập. Ông tỏ ra vồn vã, ôm chầm lấy tôi, gọi tôi là con trai(!) làm tôi rất ngượng với những hành khách đứng cạnh. Lúc ấy vốn tiếng Nga cũng chưa sõi lắm nên nhiều câu ông nói tôi chỉ hiểu đại ý. Ông kể ông từng tham gia quân đội chiến đấu ở binh chủng tăng- thiết giáp nay nghỉ hưu và ông rất quý mến đất nước và con người Việt Nam. Khi tôi xuống xe ông còn nói: Việt Nam giỏi lắm, anh hùng lắm, tao rất muốn đến Việt Nam nhưng không biết làm cách nào đi được. Tôi cám ơn ông, tạm biệt và hẹn gặp lại...
     Buổi tối, về "ốp" tôi kể lại cho mấy anh lớp trên nghe chuyện hôm nay mình gặp được một ông già cựu chiến binh như thế...như thế...Một anh nghe xong phán ngay: Ôi dào ơi, chú mày gặp ông say rượu rồi.
     Tôi không tin, nhưng thoáng chút không vui vì lúc nói chuyện tôi thấy ông ấy chẳng say rượu chút nào.
     Trong thâm tâm tôi mong gặp được nhiều người như thế. Tôi không thích họ ca ngợi này kia nhưng dù sao họ vẫn có tình cảm với Việt Nam mình qua cách thể hiện suy nghĩ và tình cảm của họ- Tình cảm của một người Nga, một cựu chiến binh.
Chiều 09/5/2010.


Đi mua bia tươi ở Mát:

     
Thời bao cấp, lứa tuổi như chúng tôi cũng rất ít đụng tới bia rượu. Có nhiều lý do để hạn chế công lực ma quái của của cái thứ nước "thần kỳ" đó. Thứ nhất là điều kiện lúc ấy không cho phép tiệc tùng nhậu nhẹt như bây giờ, cái ăn còn chưa đủ, mong có nhiều lương thực, rau xanh để lèn cho chặt bụng là tốt rồi, nói gì đến nhậu nhẹt. Thứ đến là thói quen, là phong trào, không ai uống thì mình uống làm sao được?
     Còn nhớ cái ngày xưa, cứ mỗi lần Tết đến hoặc cơ quan "liên hoan" tổng kết là vui lắm, vui nhất trong năm. Ngày đó kiểu gì cũng có đánh chén tập thể, uống bia rượu chẳng đủ cốc, cứ cái bát ăn cơm rót mà cụng. Rượu chanh Hà Nội lúc ấy thuộc hạng "số zách", uống nó cứ ngòn ngọt thơm thơm dễ vào lắm, nhưng cho vào khoảng mấy lưng bát thì say đứ đừ mất hai ngày. Theo ngôn ngữ bây giờ gọi là "yếu mà đòi ra gió".
     Sang Mát được mấy ngày là được nếm ngay cái say của rượu vodka, cũng lừ đừ mất hai ngày, nhưng say xong lại thấy thích uống nữa, thế nó mới lạ.
     Vào lúc dân Liên Xô đang thực hiện "xu khôi" nên vodka cũng hiếm, nhưng bia chai thì sẵn lắm vì hình như dân Mát thích rượu hơn bia. Bia chai khá rẻ, nhất là chịu khó mang cái xe tay đến mấy cái đại lý đổi vỏ chai rồi lấy bia về thì không thành vấn đề.
     Uống bia chai mãi cũng chán, có hôm mấy anh em ngẫu hứng đi mua bia tươi về uống thử. Bia hơi Mát khá ngon nhưng để mua được cũng cách rách lắm.
     Phải chuẩn bị sẵn cái can khoảng 10- 20 lít, đi khoảng hơn chục bến ôtô buych mới đến nơi bán bia tươi.
     Hôm ấy chúng tôi có hai thằng rủ nhau đi mua bia tươi cho cả hội, xách cái can 20 chục lít to đùng lên ôtô, nhắm hướng cửa hàng bia thẳng tiến. Đến cửa hàng bia thấy cảnh tượng khá chán, đứng xếp hàng rồng rắn sau cả mấy chục người. Phần lớn các "bợm" tây nó không mang về nhà mà "truyền hình trực tiếp" ngay tại quầy bia.
     Nhích dần rồi cũng vào được trong cửa hàng. Gian phòng khá hẹp, đèn điện không mấy sáng và khá đông người ồn ào đứng nốc bia bên những chiếc bàn con. Nhân viên bán hàng khá bận rộn bên máy rót bia, bia cứ rót, hết lớp này lớp khác xếp hàng tự mang ra bàn, tự nâng cốc. Sàn nhà nhớp nháp, khói thuốc mù mịt, hơi người, mùi bia, gia vị gì đó quyện với mùi thuốc lá thành mùi đặc trưng của nơi nhậu bia tươi.
Bên cạnh những bộ mặt vừa nốc bia vừa hoa chân múa tay nói cười lớ phớ còn có những cặp mắt lờ đờ, gườm gườm, mặt đỏ kè đứng liêu xiêu...trông cũng phát hoảng.
     Tôi hơi chột dạ vì chỉ có hai thằng VC mới xách cái can 20 lít to đùng còn nhìn quanh không thấy ai cầm theo cái gì cả, mua thế nào đây?


     Đến lượt, hai thằng tôi đưa cái can vào, cô nhân viên thoáng chút ngạc nhiên, tôi giải thích rót đầy can, mua mang về nhà cho nhiều người uống. Cô hiểu ra và rót bia vào can nhưng cũng đợi hơi lâu. Quay lại phía sau thấy có ánh mắt gườm gườm cũng hoảng, mấy anh em này đã có hơi men rồi mà phật ý họ họ túm cổ áo xách lên thì toi. Cũng may, họ cứ kiên nhẫn đợi chúng tôi đầy can bia, nhích dần đến chổ mua bia mà không xẩy ra chuyện gì.
     Đầy can, cô nhân viên chẳng xách nổi lên bàn thế là cô mở cửa gọi hai thằng tôi vào mới xách ra được.
Xong đâu đấy, hai thằng túm can bia đi như chạy ra bến xe không ngoái đầu lại. Hú vía.
     Tối đó, mấy anh em gần chục thằng làm bay sạch can bia, chuyện trò rôm rã nhưng nhớ lại cảnh đi mua bia mới thật hãi.
     Từ đó, tôi cạch. Thích thì uống bia chai chứ không đi mua bia tươi thêm một lần nào nữa.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét